Hoàn cảnh Vought_F4U_Corsair

Corsair khởi sự là kết quả của một yêu cầu từ phía Hải quân Hoa Kỳ về một chiếc máy bay hoạt động trên tàu sân bay đạt được khả năng của những chiếc máy bay tiêm kích tốt nhất trên đất liền và trên tàu sân bay. Được thiết kế năm 1938 bởi Rex Biesel, chiếc Corsair nguyên mẫu đầu tiên ký hiệu XF4U-1 bay lần đầu tiên ngày 29 tháng 5 năm 1940.[3] Chiếc XF4U-1gắn 1 động cơ Pratt & Whitney R-2800 Double Wasp bố trí hình tròn, trở thành máy bay 1 động cơ Mỹ đầu tiên đạt tốc độ bay ngang là 400 mph (640 km/h).[4] Đây là một tiến bộ đáng kể của Vought, khi so sánh với các kiểu tương đương trên mặt đất, máy bay hoạt động trên tàu sân bay thường được thiết kế to và nặng để chịu đựng áp lực nặng khi hạ cánh trên sàn đáp.

Corsair được đưa vào sử dụng lần đầu năm 1942. Mặc dù được thiết kế như là máy bay tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay, những hoạt động ban đầu trên tàu sân bay gặp nhiều trở ngại. Điều khiển bay ở tốc độ chậm là một thử thách lớn vì sự chòng chành nghiêng về mạn phải lớn hơn mạn trái cánh; thêm vào đó là tầm nhìn phía trước kém do mũi máy bay dài (nên có một trong các biệt danh "The Hose Nose"), làm cho việc hạ cánh chiếc Corsair trên tàu sân bay là một nhiệm vụ khó khăn. Vì những lý do này, bau đầu đa số những chiếc Corsair được giao cho các phi đội Thủy quân Lục chiến hoạt động trên những đường băng trên đất liền, nên khiến Goodyear sản xuất những chiếc Corsair đầu tiên có cánh cố định không gấp được. Các phi công Thủy quân Lục chiến nhiệt liệt đón chào chiếc Corsair vì tính năng bay của nó vượt xa Wildcat F4F-3 và -4 đang được sử dụng lúc ấy, và ở một số mặt cũng tốt hơn F6F Hellcat, đang thay thế Wildcat.

Hơn nữa, Corsair vượt hơn chiếc máy bay tiêm kích chủ yếu của Nhật Mitsubishi A6M Zero. Trong khi Zero có thể lượn vòng nhanh hơn F4U ở tốc độ chậm, Corsair nhanh hơn, lên cao và bổ nhào nhanh hơn máy bay tiêm kích địch.[5] Những chiến thuật được phát triển trước đây, như kiểu Thach Weave, tận dụng được ưu thế sức mạnh của Corsair.

Ưu thế về tính năng bay kèm với khả năng chịu đựng tổn hại nặng, cho phép phi công F4U đặt máy bay địch trong phạm vi tiêu diệt của 6 khẩu súng máy M2 Browning.50 trong thời gian đủ dài để gây thiệt hại đáng kể. 2.300 viên đạn mang bởi Corsair cho phép bắn trọn 1 phút mỗi khẩu, khi bắn từng loạt 3 đến 6 giây, làm cho chiếc U-Bird (tên lóng của F4U) trở nên vũ khí có sức tàn phá máy bay, mục tiêu mặt đất, và ngay cả tàu thủy.

Hải quân Hoàng gia Anh cũng nhận được Corsair từ năm 1943, và tiến đến sử dụng chúng thành công trong chiến đấu trên tàu sân bay của Không lực Hạm đội (FAA) của Hạm Đội Thái Bình Dương Anh và ở Na Uy.[6]

Corsair phục vụ cho Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ, Hải quân Hoàng gia Anh và Không quân Hoàng gia New Zealand (sau chiến tranh, trong Không lực Hải quân Pháp và một số nước khác), và nhanh chóng trở nên chiếc máy bay tiêm kích ném bom có khả năng nhất hoạt động trên tàu sân bay. Nhu cầu về máy bay nhanh chóng vượt quá khả năng sản xuất của Vought, nên nó cũng được sản xuất bởi các công ty Goodyear (ký hiệu FG-1) và Brewster (ký hiệu F3A-1). Từ chiếc nguyên mẫu đầu tiên giao cho Hải quân Mỹ năm 1940, cho đến chiếc cuối cùng giao cho Pháp năm 1953, có 12.571 chiếc F4U Corsair được sản xuất bởi Vought.[7]

Corsair được biết đến rộng rãi với tên "The Sweetheart of the Marianas" (Người tình của Marianas) và "The Angel of Okinawa" (Thiên thần của Okinawa) vì vai trò của chúng trong những chiến dịch tương ứng. Những tên này do các đơn vị mặt đất hơn là do người của Hải quân và Thủy quân Lục chiến đặt cho. Tuy vậy, trong giới phi công, nó được đặt tên lóng "Ensign Eliminator" (Máy thải Thiếu úy) và "Bent-Wing Eliminator" (Mái thải cánh cong) vì nó đòi hỏi nhiều giờ huấn luyện hơn để nắm vững so với những chiếc máy bay hải quân khác. Nó cũng được gọi đơn giản là "U-bird" (Chim U) hay "Bent Wing Bird" (Chim cánh cong).[7] Người Nhật đặt tên F4U là "Whistling Death" (Tiếng huýt sáo chết chóc) do âm thanh khá cao nó tạo ra (do không khí luồn qua bộ tản nhiệt dầu ở gốc cánh)[cần dẫn nguồn].